- Joseph Pham -
Không phải là người mê lắm dòng nhạc Trịnh, nhưng nó cũng vẫn cứ âm thầm chảy sâu vào trong tâm trí tôi, và khi viết bài chia sẻ này tôi nhớ đến một tác phẩm nổi tiếng của ông “Tôi Ơi, Đừng Tuyệt Vọng”. Nghe tựa bài hát cũng đã thấy được một tâm hồn như đang rơi vào hố sâu của sự tuyệt vọng đang tự nhủ lòng mình hay nói cách khác là đang tự động viên lấy mình để đừng rơi vào tình trạng thảm khốc này của tâm hồn mình.
Tuyệt vọng là tình trạng rơi vào hố sâu không lối thoát của tâm hồn khi ta phải đối diện với một hoàn cảnh bi đát nào đó, không tìm đâu ra niềm hy vọng dù là lé loi như tim đèn vừa tắt. Người rơi vào tình trạng này ở cấp độ nặng nhất luôn luôn là tìm cách quyên sinh hay còn gọi là tự sát. Thường thì ta rất khó rơi vào tuyệt vọng nếu không phải trải qua một cú dư chấn quá mạnh về mặt tâm lý qua một biến cố nào đó có thể là tình cảm, kinh doanh, buôn bán, quan hệ bạn bè… Nếu như thất vọng là một thái độ không hài lòng nặng nề về một ai đó hay một sự việc nào đó hoặc thậm chí chính bản thân ta nhưng dẫu sao trong sự thất vọng vẫn còn đó đây một tia hy vọng để ta tiếp tục sống cuộc đời của mình, thì tuyệt vọng có thể xem là sự thất vọng cùng cực. Sở dĩ có sự thất vọng là vì ta đã kỳ vọng ít nhiều, do đó mà sự kỳ vọng càng cao thì sự thất vọng càng nặng nề thậm chí có thể dẫn đến tuyệt vọng.
Tình trạng tuyệt vọng nơi một con người có thể ví tựa như một ngày mà chỉ toàn bóng đêm, nơi bóng đêm ấy ta phải mò mẫm, mà càng mò thì càng rơi tỏm xuống hố sâu không đáy khiến ta chơi vơi, lạc lõng, và cảm thấy cô độc kinh khủng đến mức tưởng chừng như chẳng có ai hiểu và thông cảm nổi cho hoàn cảnh bi đát của ta. Khi rơi vào tuyệt vọng, ta sinh ra hoài nghi tất cả, loại trừ tất cả, tựa như thể cuộc đời này hết con đường để cho ta lựa chọn và không còn lối thoát nữa. Bởi vậy người ta mới tự vẫn để mưu cầu giải thoát bản thân khỏi tình trạng quá thê thảm và bi đát này. Cũng cần biết, cuộc sống càng hiện đại, càng văn minh bao nhiêu thì con người càng dễ dàng rơi vào tình trạng tuyệt vọng bấy nhiêu. Các con số thống kê trên thế giới cho thấy Hàn Quốc là nước có tỷ lệ tự tử cao nhất, cứ 100,000 người thì có 24,8 người tự tử. Con số này tại Nhật Bản là 24, tiếp đó là Bỉ với 21,3 người, Phần Lan 20,35, và Mỹ là 11,người.
Nhìn vào con số thống kê trên ta không khỏi bàng hoàng sợ hãi khi ngày càng có nhiều người tìm đến tự vẫn như một giải pháp cuối cùng cho hoàn cảnh của mình. Họ không tìm thấy ở nơi nghịch cảnh ấy một tia hy vọng dù là nhỏ bé. Còn ta, sở dĩ ta sống được qua ngày này tháng nọ, năm này nối tiếp năm kia là bởi vì ta còn thấy niềm hy vọng phía trước, một niềm hy vọng là mọi thứ sẽ ổn và tốt đẹp hơn tình trạng hiện tại ta đang gặp phải. Như thế để không phải để mình rơi vào hố sâu tuyệt vọng thì ta chỉ có cách giữ vững niềm tin và hy vọng trong mọi khoảnh khắc và mọi hoàn cảnh của cuộc sống mình.
Ai cũng biết, bản chất của cuộc sống là thăng trầm, vui buồn, đắm say lẫn lộn nhau. Đi vào cuộc sống là ta đi vào một trận chiến không khoan nhượng, nơi đó ai mạnh sẽ đứng vững, và ai tưởng mình đứng vững thì cũng cần cẩn thận kẻo té. Trong trận chiến của cuộc đời này, nhiều khi ta bị rơi vào tình trạng cô độc không một ai hiểu và cảm thông cho nỗi lòng, nhiều khi ta cảm thấy bối rối, lo ấu, trống trải, trống rỗng, đi xuống trầm trọng, nhiều khi các biến cố xấu xảy đến với ta dồn dập như thể Thượng Đế đã bỏ ta hay đang trừng phạt ta, như thể cuộc đời này không còn ai để Ngài trút cơn thịnh nộ nữa nên đã đổ ập xuống con người tội nghiệp này, và chính vì lẽ đó ta ngã quị và không muốn gượng dạy nữa, vì khi ta vừa muốn gượng thì lại một cú giáng sầm xuống trên đời ta.
Và có phải thật Thượng Đế muốn dồn ép chúng ta bằng nhiều nghịch cảnh để đưa ta đến chỗ tuyệt vọng không? Ta hay nghe Đức Giáo Hoàng Benedict XVI chia sẻ về ý nghĩa của nghịch cảnh trong một buổi tiếp kiến vào ngày 07 tháng 03 năm nay tại Quảng trường Thánh Peter: Thiên Chúa chỉ muốn có “những gì tốt lành cho con cái của Người” và nếu đôi khi Người cho phép xẩy ra sự đau khổ chỉ là để có “một cái gì tốt lành hơn.” Từ đây ta cần biết rằng, khi mọi khổ đau dồn dập kéo đến trên cuộc đời ta, là do ý muốn tốt lành của Thiên Chúa muốn có cái gì đó tốt lành hơn cho ta sau đó, vì thật sự Ngài không bao giờ muốn con cái của Ngài phải đau khổ. Để hiểu điều này, ta cần nhìn lại trong đời sống thật, có cha mẹ nào lại muốn con mình phải khổ đau, nhưng đôi khi vẫn phải cho chúng ta nếm trải nó vì phần ích giúp ta trưởng thành hơn.
Khi đã hiểu rõ về bản chất của tuyệt vọng, của khổ đau, của nghịch cảnh, và thấy được ý định tốt lành của Thượng Đế dành cho ta qua từng biến cố vui buồn, thăng trầm, và đôi khi đến nghiệt ngã mà trong cuộc sống ta gặp phải thì ta cần biết luôn luôn hy vọng và vững tin không ngừng để đừng đánh mất chính mình trong những cảm nghĩ tiêu cực đến cùng cực dẫn đến tuyệt vọng không lối thoát. Ta hãy luôn luôn tỉnh thức và biết rằng “Ta được hiện hữu trong cuộc đời này để góp phần xây dựng thế giới với tất cả năng lực của ta. Và mọi thứ đều sinh ích cho những ai biết rút ra cho mình một kinh nghiệm nào đó qua từng biến cố của cuộc đời, luôn biết vững tin và hy vọng vào một ngày mai tươi sáng hơn. Không có một ngày nào mà đêm đen kéo dài 24 tiếng cả, vì vậy sẽ chẳng có bóng tối cuộc đời nào phủ lấp bản thân ta cả đời cả nếu ta không cho phép.”
No comments:
Post a Comment