Tôi tin rằng có rất nhiều phụ nữ trẻ Việt Nam ghét ngày Valentine, ghét socola, ghét giọng dịu dàng, ghét giày cao gót và ghét màu hồng. Quà Valentine là một cách nhẹ nhàng để khẳng định vai trò cũ của phụ nữ trong xã hội, vai trò có khi là đáng buồn.
Joe Ruelle, nổi tiếng hơn với cái tên Việt là Dâu Tây, chia sẻ suy nghĩ của anh về bình đẳng giới và nữ quyền ở Việt Nam qua lăng kính của ngày Tình nhân, khi các đôi uyên ương ta tíu tít tặng nhau hoa hồng và quà.
Những người từng đọc quyển “Sư tử, Phù thủy và Tủ áo” chắc sẽ nhớ về phù thủy trắng và kẹo Thổ Nhĩ Kỳ. Không lâu sau khi bước vào Tủ áo đi sang xứ sở Narnia, Edmund, một trong bốn anh hùng trẻ, tình cờ gặp phù thủy Trắng, người phụ nữ lạnh lùng, bắt dân phải chịu mùa đông kéo dài cả trăm năm. Lạc đường và rất đói, Edmund không cưỡng lại được khi bị bà ấy mời lên xe trượt tuyết ăn kẹo Thổ Nhĩ Kỳ. Ăn xong Edmund vô tình thành nô lệ trẻ tuổi của phù thủy, làm theo mọi sai khiến của mụ.
Ảnh minh họa Edmund và kẹo Thổ Nhĩ Kỳ. |
Ngày càng nhiều phụ nữ Tây xem quà tặng Valentine như là kẹo Thổ Nhĩ Kỳ của "thầy" phù thủy Trắng - hấp dẫn thì có, nhưng họ nhất quyết không nhận. Lý thuyết thì một món quà Valentine nhỏ không có vấn đề gì. Đó là sự biểu lộ tình cảm. Đó là niềm vui. Tuy nhiên, với các chị em phương Tây thì đó nó là món quà mang chất kẹo Thổ Nhĩ Kỳ khó chấp nhận! Vậy đó là chất gì?
Thứ nhất, đó là chất phụ thuộc. Người nam chủ động trong khi người nữ chỉ biết hy vọng và chờ đợi, rồi khóc lóc trong đêm nếu anh chàng đó lại quên. Thứ hai, đó là chất nuôi sống. Một cái cây cần ánh sáng và nước ngọt sẽ phát triển tốt, nhưng phụ nữ không phải cây cối mà cần được nuôi như vậy. Thứ ba, đó là chất màu hồng. Quà Valentine là một cách nhẹ nhàng để khẳng định vai trò cũ của phụ nữ trong xã hội, nếu không nói là vai trò đáng buồn. Rồi điều thứ tư, điều thứ năm, rồi lại là sự bất bình đẳng giới kéo dài nhiều thế kỷ - không khó hiểu vì sao chuyện nhỏ thành chuyện to và ngày Valentine chịu áp lực không nhỏ.
Tôi đang nói về các chị em mạnh mẽ trong xã hội phương Tây, còn đối với nhiều chị em hiền lành hơn thì ngày Valentine cũng có chút gì đó “chưa ổn lắm”. Nhiều người Việt chưa biết ngày Valentine bên Tây đã trở nên nhạy cảm như vậy - thông tin văn hóa cũng như bài hát karaoke từ thời “Abba” đã qua rồi. Giờ gõ “Valentines” và “feminism” (nữ quyền) vào Google sẽ xuất hiện hàng loạt trang web hướng dẫn các chị em phụ nữ về cách thưởng thức ngày Valentine hiện đại – “Nhớ phải chủ động không kém gì người yêu!” - và cách quên đi khái niệm “chưa ổn” của ngày Valentine thời xưa. Nói cách khác, ngày Valentine đã và đang trở thành chủ đề gây tranh cãi.
Ở Việt Nam, ngày Valentine vẫn là chủ đề để thưởng thức. Tôi tin rằng có rất nhiều phụ nữ Việt Nam trẻ “rất ghét” ngày Valentine, ghét hộp socola, ghét giọng dịu dàng, ghét giày cao gót và ghét màu hồng. Ghét kẹo Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên gõ “ngày Valentine” và “nữ quyền” vào Google Việt Nam sẽ không có nhiều bài viết liên quan. Chất biểu tượng vẫn ít người khai thác.
Điều đó làm tôi suy nghĩ về sự phát triển của phong trào nữ quyền ở Việt Nam. Nhiều người nói với tôi rằng phong trào đó không hợp với văn hóa Việt. Tuy nhiên đó thường là nhận xét của những người sẽ mất vị thế nếu phụ nữ có nhiều quyền lực hơn. Bản thân tôi nghĩ phong trào nữ quyền không chỉ phù hợp với văn hóa Việt Nam, văn hóa đã từng có chế độ mẫu hệ, mà còn sẽ phát triển rất rộng và rất nhanh trong 20 năm tới. Tất nhiên sự phát triển ấy vẫn phải diễn ra trong khuôn khổ là văn hóa nói chung, nhưng khuôn khổ đó gồm nhiều không gian để di chuyển. Hôm nay thì nhỏ, ngày mai thì lớn dần.
Tôi thích những ngày lễ truyền thống. Tôi thích phong tục đặc trưng, và tôi cảm thấy khó chịu khi những hành động nhỏ vì chất biểu tượng nào đó nên trở thành chủ đề lớn. Nhưng đó là quá trình cần thiết. Ngày Valentine phải đánh mất mới lấy lại, phải thay đổi mới được gìn giữ. Để viết bài này, tôi đã nghiên cứu chủ đề mất mấy tiếng trên Twitter. Kết thúc, tôi muốn chia sẻ “tweet” rất tỉnh táo của Alain de Botton, một nhà triết học châu Âu nổi tiếng:
"One of the most unambiguous victories of feminism is that today's fathers almost all do a better job than their fathers did" - "Một trong những chiến thắng rõ ràng nhất trong phong trào giành bình đẳng cho nữ giới là hầu như tất cả những ông bố thời nay đã làm tốt nhiệm vụ của mình hơn so với cha họ trước đây".
Tôi hoàn toàn đồng ý.
Joe Ruelle
No comments:
Post a Comment